An Nam chí lược là một bộ sách cực kỳ quan trọng trong thư mục lịch sử Việt Nam. Có thể nói không ngoa, nghiên cứu lịch sử thời Trần thì không thể không đọc cuốn này. Khác với Toàn thư (Lê), Tiền biên (Tây Sơn), Cương mục (Nguyễn) là các bộ biên niên chính sử, nhưng lại ra đời rất muộn, tức là lấy hậu thế tham khảo tài liệu để viết về triều đại trước, gần thì 300 năm, xa thì 700 năm, không tránh khỏi những ảnh hưởng, mất mát của thời gian, thì An Nam chí lược do Lê Tắc biên soạn vào thế kỷ 14, có thể gọi là ghi chép trực tiếp của người đương sống trong thời đại nhà Trần.

Thế nhưng thực đáng tiếc là bản dịch An Nam chí lược hiện nay lại không đạt yêu cầu. Tôi không có ý chê trách Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam của Viện đại học Huế, bộ An Nam chí lược đã được họ biên dịch từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước, khi mà các tiêu chuẩn về khoa học trong biên dịch chưa được xác lập, đặc biệt là biên dịch tài liệu lịch sử. Bởi thế, mặc dù An Nam chí lược được khai thác không ít, nhưng chưa thể gọi là phát huy được hết giá trị của bộ sách, nếu chỉ căn cứ vào bản dịch.

Ở đây, không nói tới lỗi cú đậu sai câu, dịch sai chữ (các bộ sách Hán Nôm do Ủy ban phiên dịch sử liệu dịch thường mắc nhiều lỗi sai này), mà chỉ nói tới những lỗi sai thuộc về phương pháp.

I. LỖI CÓ THÀNH KHÔNG

Trong các văn bản ghi chép có tích chất đương thời, các tên địa danh, nhân vật, quan chức cực kỳ quan trọng, vì nó khẳng định sự tồn tại của các tên gọi ấy trong thời điểm ghi chép.

Đơn cử như hai chữ “Việt Nam” – quốc hiệu của nước ta hiện nay – rất quan trọng đúng không? Chúng ta tranh cãi ngày này qua tháng nó để gán xuất xứ cho vua Gia Khánh bên Tàu, vua Gia Long nước ta, hay học giả Trịnh Hoài Đức,… nhưng hóa ra lại xuất hiện từ thời Trần.

Khẳng định này mới đầu được Lịch triều hiến chương loại chí nhắc tới, với tên bộ sách “Việt Nam thế chí” của Hồ Tông Thốc thời Trần. Nhưng dẫu sao thì cụ Phan Huy Chú – tác giả của Loại chí – cũng là người sống ở thời Lê mạt Nguyễn sơ, ghi chép trong Loại chí (Văn tịch chí) là rất đáng quan tâm, nhưng chưa đủ lấy làm bằng, vì vẫn là người hậu thế ghi chép về triều đại trước. Bản thân cuốn sách Việt Nam thế chí cũng đã thất truyền.

May mắn là An Nam chí lược ghi nhận không ít lần người ta dùng “Việt Nam” để chỉ nước ta, ví như Trần Cương Trung có bài thơ, trong đó có câu “老母越南垂白髮” – Lão mẫu Việt Nam thùy bạch phát; thơ của Lại Ích Quy có câu “聖日垂光被越南” – Thánh nhật thùy quang bị Việt Nam.

Cả hai câu thơ này, khi dịch sang quốc ngữ, các dịch giả đã bỏ hai chữ “Việt Nam”: câu đầu tiên thay “Việt Nam” bằng Nam Việt” – “Mẹ già Nam Việt phơ đầu bạc”; câu sau lược bỏ hẳn – “Mưa móc ơn nhuần chúa đoái thương”. Đành rằng dịch thơ không dễ, khi phải ép vần và bằng trắc, nhưng đây là các bài thơ thuộc bộ sách sử, dịch thoát như vậy là hỏng.

Và không chỉ thơ, mà cả sử liệu cũng bị làm sai khác. Tỷ như Trương Lập Đạo đi sứ nước ta có nói: “天子不以越南為遠” Thiên tử bất dĩ Việt Nam vi viễn, hai chữ “Việt Nam” đã bị dịch “An Nam” – “Thiên tử không cho rằng nước An Nam là nơi xa cách”.

Rất may là bản dịch An Nam chí lược còn giữ được ba chữ “Việt Nam” khác.

II. LỖI KHÔNG THÀNH CÓ

Hoàn toàn ngược với các lỗi dạng trên (mà ta có thể “bênh vực” là do cố dịch thành thơ nên bỏ qua tính chính xác của văn bản), thì bản dịch An Nam chí lược lại xuất hiện những lỗi không thành có, tức là tùy tiện thêm bớt chữ vào văn bản gốc.

Vẫn liên quan tới quốc hiệu, sau khi tra cứu “Việt Nam”, tôi tìm tiếp “nước Nam” trong bản dịch.

Bản dịch có câu: “bên nước Nam sai kẻ tư thần đài đệ rượu và đồ ăn nghinh tiếp”, nhưng thực ra nguyên văn là “彼國遣其私臣持酒食來迎” – Bỉ quốc khiển kỳ tư thần, trì tửu thực lai nghênh. Không có đích danh “nước Nam” nào ở đây cả, “bỉ quốc” nghĩa là “nước đó”.

Bản dịch lại có câu “Mùa đông năm Giáp Thân, đại binh qua đánh nước Nam”, nhưng thực ra nguyên văn là “甲申冬大兵南討 – đông Giáp Thân, đại binh nam thảo, dịch sát nghĩa là mùa đông năm Giáp Thân, đại quân thảo phạt phương nam, hai chữ “nước Nam” không hề xuất hiện.

Bản dịch lại có câu “Mùa xuân năm Giáp Ngọ, đem quân qua đánh nước Nam”, nhưng thực ra nguyên văn là “甲午春帥師南討” – Giáp Ngọ xuân, suất sư nam thảo, dịch sát nghĩa là “mùa xuân năm Giáp Ngọ, đem quân thảo phạt phương nam”, hai chữ “nước Nam” không hề xuất hiện.

Bản dịch lại có câu “Nước Nam từ ấy được bình yên”, nhưng thực ra nguyên văn là “南陸從此悉安然” – Nam lục tòng thử tất an nhiên, dịch sát nghĩa là “đất phương nam từ đó được bình yên”, hai chữ “nước Nam” không hề xuất hiện.

III. TIỂU KẾT

Những lỗi “có thành không, không thành có” xuất hiện trong nhiều bản dịch sách sử chứ không phải riêng An Nam chí lược. Nhưng tỷ lệ xuất hiện trong bản dịch An Nam chí lược đặc biệt cao (6 lần nhắc tới “Việt Nam” thì chỉ dịch 3, sai 50%; 3 lần dịch “nước Nam” thì cả 3 đều không chính xác, tỷ lệ sai 100%). Đấy mà mới khảo sát riêng về quốc hiệu Việt được sử dụng thời Trần, chưa nói tới các lĩnh vực khác. Đây thực sự là điều rất đáng tiếc cho một văn bản quan trọng tầm cỡ như An Nam chí lược.

Cũng phải nhấn mạnh lần nữa là, bài này không phải chê trách chất lượng dịch của một bản dịch ra đời nửa thế kỷ trước, mà mục đích là mong các dịch giả ngày nay cẩn trọng hơn khi làm việc với sử sách nước nhà. Một người vô ý có khi kéo theo vạn người sai.

Chủ đề:

Từ khoá: