Việt Nam Sử Lược chép năm 1600: “bọn Phan Ngạn, Ngô Đình Hàm [1] và Bùi Văn Khuê nổi loạn ở cửa Đại An (Nam Định). Trịnh Tùng ở Thăng Long sợ bốn mặt thụ địch, bèn rước vua vào Thanh Hóa.”

Chỗ này các bác đọc có thấy bất ngờ vì sao liên quân Trịnh Nguyễn mạnh đến thế lại sợ một cánh quân nổi loạn ở tận cửa biển Nam Định, sợ đến mức phải bỏ cả kinh đô “mang vua” chạy vào Vạn Lại – Thanh Hóa hay không? Sự việc đâu chỉ đơn giản như Việt Nam Sử Lược chép.

Bấy giờ quân Lê Trịnh do Trịnh Tùng chỉ huy đã dẹp được nhà Mạc ở Thăng Long. [2] Tàn dư nhà Mạc chia năm xẻ bảy phân tán ở miền núi phía bắc như Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn và phía đông như Hải Dương, Yên Quảng. Việc đánh dẹp trong nước kéo dài từ khoảng năm 1594 cho tới bấy giờ mới hơi tạm yên. Bọn Ngạn, Khuê là tướng thủy quân giỏi của nhà Mạc, sau về hàng Lê Trịnh, từng lập nhiều công lao và được ban thưởng hậu. Năm 1596, Phan Ngạn có công bắt được (ngụy) Tráng vương Mạc Kính Chương, được thưởng kim bài và 10 cân vàng ròng [3]. Năm 1597, Ngạn, Khuê theo Hòa quận công Nguyễn Miện (tức Diễn – con của Nguyễn Hoàng) bình phản ở Hải Dương. Nguyễn Miện khinh địch tử trận, cùng chết trận ấy còn có Lễ quận công (khuyết danh), Khuê gắng sức đánh tan được giặc, đoạt được thủ cấp của Nguyễn Miện và Lễ quận công về, được thưởng 10 cân vàng, thăng chức Thái bảo. [4]

Thế rồi xảy ra việc Ngạn, Nga, Khuê làm phản ở cửa biển Nam Định, mặc dù Ngạn, Khuê là tướng giỏi, nhưng tại sao với chừng ấy quân tướng của hai nhà Trịnh Nguyễn, mà triều đình phải sợ hãi, chạy về Thanh Hóa? Việc này Việt Nam sử lược đã lược bỏ các chi tiết quan trọng liên quan đến Thái úy Nguyễn Hoàng.

Toàn thư chép: “Bấy giờ, Thái uý Đoan quốc công Nguyễn Hoàng ngầm sai bọn Kế quận công Phan Ngạn, Tráng quận công Ngô Đình Nga, Mỹ quận công Bùi Văn Khuê mưu phản. Bình An vương cùng các quan đương bàn việc đánh dẹp, Hoàng muốn kế của mình trôi chảy, giả vờ xin đem quân đuổi đánh, rồi đốt hết doanh trại, trốn về Thuận Hóa. Bấy giờ trong nước loạn lạc, lòng người dao động, Vương bèn hộ vệ Hoàng thượng trở về [Tây Đô] để lo giữ đất căn bản.”

Dĩ nhiên Toàn thư là sử nhà Lê Trịnh viết nên đổ tội lên đầu Nguyễn Hoàng, rằng ông xúi bọn Ngạn, Khuê làm phản. Mặc dù vậy, việc Nguyễn Hoàng nhân sự kiện ấy mà trốn về Thuận Quảng được sử nhà Nguyễn ghi nhận.

Cương mục chép: “Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế ta có công to, Trịnh Tùng thấy thế mang lòng nghen nghét, 8 năm không cho về trấn. Gặp lúc ấy, bọn Ngạn, Đình Nga và Văn Khuê làm phản ở cửa biển Đại An, Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế ta nhân đem quân tiến đánh, bèn đem tướng sĩ thuyền chiến trong bộ thuộc mình, phóng ra biển về Thuận Hóa, bởi thế lòng người xao xuyến. Tùng bèn rước nhà vua về Thanh Hoa, để cho nơi căn bản được vững vàng.”

Thực lục cũng viết đôi dòng: “Bấy giờ chúa đã ở Đông Đô 8 năm, đánh dẹp bốn phương đều thắng, vì có công to, nên họ Trịnh ghét. Gặp lúc bọn tướng Lê là Phan Ngạn, Ngô Đình Nga và Bùi Văn Khuê làm phản ở cửa Đại An (nay thuộc Nam Định), chúa nhân dịp đem quân tiến đánh, liền đem cả tướng sĩ thuyền ghe bản bộ, đi đường biển thẳng về Thuận Hóa, để hoàng tử thứ năm là Hải và hoàng tôn là Hắc ở lại làm con tin. Nghe tin ấy, lòng dân xao xuyến. Trịnh Tùng ngờ chúa vào chiếm Tây Đô, bèn đưa vua Lê chạy về Tây Đô, để giữ vững căn bản. Đi đến huyện An Sơn, bọn hoàng tử Hải đón đường nói rằng chúa về Thuận Hóa, chỉ nghĩ việc bảo vệ đất đai, thực không có ý gì khác. Vua Lê vỗ về, vẫn cho bọn Hải quản binh như cũ.”

Vậy là rõ ràng không phải Trịnh Tùng sợ Thăng Long bốn bề thọ địch, mà ông sợ Thái úy Nguyễn Hoàng trốn về Thuận Hóa, rồi đem quân đánh ngược là chiếm miền Thanh Nghệ. Thanh Hóa là đất trung hưng của nhà Lê, tuy đã dời về Thăng Long, nhưng cơ sở của nhà Lê Trịnh vẫn còn ở cả Thanh Hóa. Bởi vậy Trịnh Tùng phải bỏ Thăng Long mà lui về giữ đất căn bản là Tây Đô chứ không phải e sợ bọn Khuê Ngạn, viết như Việt Nam sử lược là không đúng, lại xóa đi cái việc Nguyễn Hoàng giữa đường bình phản lại đem quân bỏ trốn.

Liên quan đến việc lui binh Thuận Hóa, sử nhà Lê Trịnh và sử nhà Nguyễn đối chọi nhau chan chát. Toàn thư chép bức thư Trịnh Tùng gửi Nguyễn Hoàng trách mắng rất nặng: “Tiên khảo chầu trời, cháu giữ binh quyền, vẫn để cậu giữ chức cũ. Nhiều lần gửi thư giục cậu dốc thu tiền thuế, vận tải lương thực để giúp việc chi dùng của nhà nước, cậu thường lấy cớ đường biển gian nan hiểm trở để từ chối. Đến khi Kinh thành đã lấy lại, thiên hạ đã yên cậu mới ung dung theo về… Mới rồi, bọn nghịch thần Phan Ngạn, Bùi Văn Khuê, Ngô Đình Nga manh tâm phản bội, nổi quân làm loạn, cháu đương cùng với cậu trù tính việc binh, truy quét đảng nghịch, chẳng ngờ cậu không đợi mệnh, tự tiện bỏ về, làm dao động lòng dân địa phương. Không biết đó là bản ý của cậu, hay là nghe lầm gian kế của bọn phản nghịch… Việc đã như thế, nếu cậu quả biết tỉnh ngộ ra, hối lại lỗi trước, nghĩ đến công nghiệp của tiên tổ, nên sai người mang thư đến hành tại lạy trình, rồi đốc nộp tiền thuế để cung việc chi dùng của nhà nước thì lấy công trừ lỗi, triều đình đã có pháp điển, mà công lao ngày trước của cậu lại được toàn vẹn, huân danh sự nghiệp bao đời, bền lâu mãi mãi. Nếu không thế, thì lấy thuận đánh nghịch, triều đình hùng binh đã có cớ rồi, danh tiết của cậu sẽ ra làm sao? Cậu trong việc quân thường vẫn lưu ý đến kinh sử, xin hãy nghĩ kỹ, đường để hối hận về sau.”

Việc này còn được nhắc lại ở năm 1672, chúa Trịnh Căn đánh Nam Hà, hiểu dụ dân Thuận Quảng rằng “Tiên thánh vương lượng cả bao dung, không kể đến có công hay không, chỉ vì tình nghĩa thân thích, vẫn tâu cho thăng chức tước, hưởng bổng lộc ưu hậu, địa vị đứng đầu cácđình thần. Không ngờ trái với lời thề ước, ngầm mưu phản trắc, và năm Canh Tý [1600], dụ dỗ bọn gian thần làm loạn rồi tự tiện trốn về [Thuận Hoá]. Đã lỗi đạo làm tôi, đáng trị theo phép nước. Nhưng Tiên thánh vương vẫn thương xót bao dung, khoan tha tội lỗi ấy. Thế mà khi triều đình sai quan đem sắc thư dụ bảo sự tình, lại đốt phá sứ quán, mưu cướp sắc thư, làm nhục sứ thần. Tâm địa chống đối đã manhnha từ ấy.”

Thực lục thì chép rất nhẹ nhàng “Vua Lê sai Thiêm đô ngự sử là Lê Nghĩa Trạch đem sắc đến phủ dụ, vẫn sai ở lại trấn thủ, hằng năm nộp thuế má. Trịnh Tùng cũng gửi kèm thư, khuyên giữ việc thuế cống. Chúa hậu đãi sứ giả và sai sứ đi tạ ơn vua Lê; lại gửi thư cho Trịnh Tùng hẹn kết nghĩa thông gia. Mùa đông, tháng 10, chúa gả con gái là Ngọc Tú cho Trịnh Tráng (con cả Trịnh Tùng). Từ đấy chúa không ra Đông Đô nữa. Triều thần nhà Lê thường thường nói nên xử trí, nhưng Trịnh Tùng sợ việc dùng binh, không dám đả động.”

Việc Phan Ngạn, Ngô Đình Nga, Bùi Văn Khuê làm phản có phải do Nguyễn Hoàng xúi giục hay chăng thì chẳng có bằng chứng nào cả. Ngạn, Nga, Khuê sau khi phản thì liên hệ theo về tàn dư nhà Mạc chứ không phải theo quân Thuận Quảng. Hoặc giả bấy giờ Ngạn giết mất Khuê là người có ơn với họ Nguyễn (sự kiện đã nói ở trên) nên không dám hàng Nguyễn Hoàng chăng? Hoặc giả Nguyễn Hoàng bị Trịnh Tùng đe dọa nên không dám công nhiên liên hệ với bọn Khuê, Ngạn chăng? Sử không chép, khó lòng định đoán.

[1] Cụ Kim đọc nhầm chữ 峩 – Nga thành chữ Hàm. Các bản in thường giữ nguyên chữ Hàm ấy, riêng bản Đông A tự sửa thành Nga nhưng không thấy chú thích.

[2] Sau khi phá được quân Mạc ở Thăng Long thì quân Thuận Quảng mới tới giúp sức. Công lao của Nguyễn Hoàng trong giai đoạn này là đánh dẹp các đạo tàn quân, không liên quan tới việc chiếm Thăng Long.

[3] TT.BK.q17.

[4] TT.BK.q17. Mối liên hệ giữa bọn Khuê, Ngạn với Nguyễn Hoàng có lẽ bắt đầu từ việc Khuê đoạt lại thủ cấp của Miện. Sử nhà Nguyễn (Cương mục) bỏ trống, không chép giai đoạn này, còn Thực lục có nhắc tới việc năm 1592 (có lẽ là 1593 mới đúng), Bùi Văn Khuê và Trần Bách Niên dẹp loạn ở Hoàng Giang (trấn Sơn Nam) không được, Nguyễn Hoàng đốc quân tướng xông trận, giết tướng phá quân, bình được trấn Sơn Nam.

Chủ đề: