Toàn thư chép ban đầu ông được phong Hàn lâm viện Thừa chỉ học sĩ, Cương mục chép chức danh là Tuyên phụng đại phu Hàn lâm Thừa chỉ. Hàn lâm Thừa chỉ hay Thừa chỉ đều là cách gọi tắt của Hàn lâm viện Thừa chỉ học sĩ. Nhân chức danh này mà nhiều người cho rằng vai trò của ông chỉ là một “anh văn thư quèn” trong nghĩa quân Lam Sơn, một dạng thư ký riêng của Bình Định vương Lê Lợi.

Tuy nhiên nhận định này không đúng. Lần thăng chức sau đó, Nguyễn Trãi được phong Triều liệt đại phu, Nhập nội hành khiển, Lại bộ Thượng thư kiêm hành Khu mật viện sự (Toàn thư, Thuộc Minh, 1427). Nhập nội Hành khiển là chức quan lớn của nhà Trần. Khi Bình Đình vương khởi nghĩa, các chức quan đều học theo nhà Trần chứ chưa cải cách như sang thời Lê sơ. Lại bộ Thượng thư là chức quan lớn rất quan trọng. Còn Khu mật viện chính là cơ quan Nội mật viện thời Trần. Có thể thấy Nguyễn Trãi được trao quyền rất lớn, nắm việc điều hành, nắm bộ Lại và Nội mật viện, đồng thời vẫn mang chức Hàn lâm viện Thừa chỉ học sĩ (Toàn thư ở năm 1435 khi chép về Nguyễn Trãi vẫn gọi là Thừa chỉ, Thừa chỉ Tham tri, Hành khiển Thừa chỉ; Cương mục chép năm 1442 khi Nguyễn Trãi bị khép tội cũng dùng “Thừa chỉ Nhập nội đại hành khiển, trí sĩ Lê Trãi”)

Chức Hàn lâm viện Thừa chỉ học sĩ thực chất là thế nào mà quan Nhập nội Đại hành khiển (tức Á tướng) vẫn kiêm nhiệm? Hàn lâm viện Thừa chỉ học sĩ cũng chính là Hàn lâm viện Phụng chỉ học sĩ. Đây là “chức vụ rất trọng, thường dùng Thái sư, Mật viện kiêm chức” (Loại chí, Quan chức chí). Những vị đã từng trải qua chức ấy có thể kể tới Thái sư Đinh Củng Viên, Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu, Lê Quát, Hồ Tông Thốc,… Dĩ nhiên công việc của Thừa chỉ trên lý thuyết là soạn chiếu thay vua, nhưng đồng thời cũng là người thay mặt vua điều hành triều chính. Đó là lý do mà sau đó Nguyễn Trãi được phong kiêm ba chức cực lớn: Nhập nội Hành khiển, Lại bộ Thượng thư, hành Khu mật viện sự.

Nếu so với ngày nay thì Hàn lâm viện Thừa chỉ học sĩ chính là Thường trực Ban bí thư.

Chủ đề:

Từ khoá: