Nguyễn An là người Giao Chỉ, được Minh sử chép chung với các Hoạn quan trong Hoạn giả truyện (quyển 192), trong đó chép xuất thân như sau: “Phạm Hoằng, người Giao Chỉ, ban đầu tên là An. Niên hiệu Vĩnh Lạc, Anh quốc công bắt những đứa bé Giao Chỉ xinh đẹp đưa về, tuyển làm Hoạn nhân (nguyên văn: yêm). Hoằng cùng bọn Vương Cẩn, Nguyễn An, Viện Lãng cũng vậy.” Vậy là khoảng năm 1407, Nguyễn An cùng mấy người trên bị Trương Phụ bắt đem về Trung Quốc, cho thiến và nhập cung.

Minh sử lại chép riêng về An: “Nguyễn An có suy nghĩ khéo léo, phụng mệnh Thành tổ xây dựng thành trì, cung điện và phủ sở các ty ở Bắc Kinh. Chỉ ước lượng bằng mắt và suy tính là đã đưa ra phương án, bộ Công cứ thế mà làm theo. Niên hiệu Chính Thống, cất lại tam điện [tức điện Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa], sửa sông Dương Thôn đều thành công.” Trong đoạn này, nhiều người mắc phải câu “phụng mệnh Thành tổ xây dựng thành trì, cung điện và phủ sở các ty ở Bắc Kinh” nên cho rằng Nguyễn An là Tổng công trình sư hoặc Kiến trúc sư trưởng của công cuộc xây dựng thành Bắc Kinh. Thực ra thì An hay bất kỳ người nào tham gia công cuộc này, ở thời Vĩnh Lạc (Minh Thành tổ) thì đều là phụng mệnh Thành tổ cả. Câu này chỉ cho biết Nguyễn An có tham gia vào việc xây dựng ở thời Vĩnh Lạc, vai trò cụ thể không rõ. Câu tiếp theo tả về tài năng của ông, và câu cuối mới nêu rõ công trạng của Nguyễn An, đó là tham gia vào giai đoạn sửa sang thành ở đời vua Anh tông.

Công cuộc dựng thành Bắc Kinh có thể tạm chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn một là từ thời Minh Thái tổ, niên hiệu Hồng Vũ. Từ Đạt và Hoa Nguyên Long nhận lệnh cải tạo Đại Đô của triều nhà Nguyên thành trị sở của Bắc Bình. Giai đoạn hai là trong đời Thành tổ (đến 1424), xây dựng các hạng mục lớn như cung điện, giao miếu,… Giai đoạn ba là đời Anh tông (1435-1449), hoàn thiện nốt thành trì và các hạng mục khác. Nguyễn An chính là người đóng góp công lớn ở giai đoạn cuối này. Nhưng trước tiên ta nói về giai đoạn hai đã.

Minh sử chép Tử Cấm thành khi mới dựng, quy chế cung điện cơ bản giống như hoàng cung ở Nam Kinh, nhưng to đẹp và tráng lệ hơn. Tổng công trình sư ở giai đoạn này là Trần Khuê, người Giang Tô. Trần Khuê là bộ tướng của Chu Đệ khi còn là Yên vương, có công trong loạn Tĩnh Nạn, được phong Thái Ninh hầu. Minh thực lục chép khi Thái tông (tức Thành tổ) hạ lệnh xây dựng Tử Cấm thành thì lấy Trần Khuê năm đó đã 71 tuổi làm Tổng công trình sư. Trong giai đoạn này xuất hiện một số thợ thuyền ưu tú như Sái Tín (mộc), Dương Thanh (nề), Lục Tường (đá), Khoái Tường (mộc)… và về sau Sái Tín là người phụ trach rất nhiều hạng mục ở giai đoạn ba (và thất bại nên Nguyễn An thay thế).

Giai đoạn ba bắt đầu là sau thời Vĩnh Lạc hơn chục năm, trải qua hai đời vua Nhân tông, Tuyên tông hầu như không tiếp tục xây dựng Tử Cấm thành thì tới vua Anh tông tái khởi động công cuộc của ông tổ mình. Người được trao trọng trách chỉ đạo không phải Nguyễn An mà là anh thợ mộc Sái Tín năm xưa, nay là Thị lang bộ Công. Sái Tín xây dựng và dâng trình phương án, nhưng vì phí tổn dự tính quá lớn, cần tới 18 vạn nhân công nên phương án bị bác bỏ. Nguyễn An được cử lên thay.

Trong vòng ba năm, Nguyễn An chỉ dùng một vạn nhân lực đã hoàn thành các hạng mục: Chín tòa môn lâu (trước kia chỉ có cổng thành mà không có lầu, úng thành); hoàn thiện sông hộ thành, thay cầu gỗ bằng câu đá; dựng lại tam điện (gặp hỏa tai thời Thành tổ).

Tựu trung, trình độ của Nguyễn An và công lao của ông trong công cuộc xây dựng nên một Tử Cấm thành, đặc biệt là giai đoạn cuối, không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, quy hoạch của Bắc Kinh thực chất đã được hoàn thành ở giai đoạn hai, đó là các công trình trọng điểm như các cung, các điện, bốn đàn tế, Thái miếu,… Có rất nhiều giả thuyết về Kiến trúc sư trưởng trong giai đoạn này, như Sái Tín, Dương Thanh, Khoái Tường,… nhưng công bằng mà nói thì để có một Tử Cấm thành như hiện nay, đó là công lao quy hoạch của rất nhiều người. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Nguyễn An là một trong số đó.

Chủ đề:

Từ khoá: