Nước Nam có bốn anh hùng

Tường gian, Viêm dối, Khiêm khùng, Thuyết ngu

Câu phong dao này rất quen thuộc với độc giả. Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết là quan đại thần của triều đình ở Huế. Hoàng Tá (Kế) Viêm là võ quan từng làm tới Khâm sai Thống đốc quân vụ tiết chế Bắc Kỳ, rồi lấy hàm Đông Các Đại học sĩ về hưu. Thế thì Khiêm là ai mà được sánh với ba vị đại quan này và tại sao lại gọi là Khiêm khùng?

Kiêm, tức Ông Ích Khiêm, thuở nhỏ theo văn học, nổi tiếng thần đồng. Năm 15 tuổi đỗ Hương tiến (tức Cử nhân) ở thời vua Thiệu Trị. Sau làm quan Tri huyện rồi mất chức, chuyển qua nghề võ, lập được nhiều quân công, chuyên được sai đi đánh dẹp loạn phỉ ở Bắc kỳ. Cuối thời Tự Đức, Khiêm bị đổi sang ngạch văn, làm Biện lý bộ Lễ.

Vua Tự Đức băng, Ông Ích Khiêm theo lệnh của Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, cùng với Nguyễn Đăng Thê ép vua Hiệp Hòa uống thuốc độc (trà pha thuốc độc), nhưng chờ lâu chưa có tác dụng nên Trần Xuân Soạn tiếp tục “lấy tay bóp họng vua lè lưỡi, lồi mắt ra, rồi vua mới ch.ết. Đến lúc đưa vua về phủ, thấy chỗ cổ họng vua sưng như cái cung giương lên”.

Vậy tại sao lại gọi là “Khiêm khùng”? Nguyên là năm 1874, Ông Ích Khiêm đương làm Tán tương quân thứ Bắc Ninh, đang dẫn binh đánh phỉ ở An Định (thuộc Bắc Ninh) thì lại tự tiện lui binh về. Tổng đốc Ninh Thái bấy giờ là Tôn Thất Thuyết cho là Khiêm thua trận nên lui quân, sai bắt giam và tâu xin xử trí.

Khiêm bị giải về Hà Nội rồi đưa về kinh. Tới kinh, được cho là mắc bệnh “tâm hỏa” nên tha về quê. Tâm hỏa là bệnh gì? Là chỉ tinh thần dễ bị kích động. Do thể trạng hỏa quá vượng sinh nội nhiệt mà dẫn ra tinh thần phiền muộn, hay cáu giận, họng khô, miệng nhiệt… Thực ra nếu chỉ có triệu chứng như vậy thì không có chuyện Ông Ích Khiêm được tha tội cho về quê. Thực chất đây là cách viết giảm viết tránh trong sử của việc Khiêm bị cho là điên, do vậy thoát tội. Toát yếu ở điểm này viết thẳng hơn Thực lục và Liệt truyện: “Đến sau Ích Khiêm về kinh, bị chứng điên, rồi cho về nhà”. Đó là lý do mà dân ta gọi Ông Ích Khiêm là “Khiêm khùng”.

Đến năm 1882, vua Tự Đức tiếc tài Khiêm nên cho khởi phục làm Hồng lô tự khanh biện lý Hộ bộ, lại cho ra bắc lo việc binh.

Chủ đề:

Từ khoá: