Trong suốt chiều dài lịch sử Đại Việt, Chiêm Thành luôn luôn là một vấn đề cực kỳ phức tạp đối. Đối phó với một quốc gia lớn trước mặt đã khó, mà sau lưng lại sẵn sàng một nước rình rập cướp phá, khó chồng khó.

Từ sau khi vua Lê Thái tổ băng, Chiêm Thành liên tục quấy nhiễu nước ta. Toàn thư ghi nhận các lần:

– Năm 1434, “Chiêm Thành cướp bắt người châu Hóa”.

– Năm 1444, “chúa Chiêm Thành là Bí Cai vào cướp thành châu Hóa, cướp bắt nhân dân.”

– Năm 1445, “Chiêm Thành vào cướp thành An Dung của châu Hóa.”

– Năm 1469, “Người Chiêm Thành đi thuyền vượt biển tới cướp phá, quấy nhiễu châu Hóa”.

– Năm 1470, “quốc vương Chiêm Thành Bàn La Trà Toàn thân hành đem hơn 10 vạn quân thuỷ bộ cùng voi ngựa đánh úp châu Hóa”.

Sau mỗi lần bị người Chiêm cướp phá, Đại Việt thường giáng trả bằng những chiến dịch quân sự lớn, đặc biệt là vào năm 1471, vua Lê Thánh tông tổng động viên quân dân cả nước lên tới 70 vạn người để diệt Chiêm Thành.

Câu hỏi đặt ra là sau bấy nhiều lần đánh tới tận kinh thành, bắt cả vua Chiêm về xử tội, tại sao Đại Việt không một hơi nuốt luôn đất Chiêm? Câu trả lời là dẫu có muốn lấy hết đất Chiêm nhập vào bản đồ Việt cũng không được, bởi nhiều lý do.

Thứ nhất, nhà Minh vẫn coi Chiêm Thành là phiên quốc, nhiều lần sai sứ sang phong vua Chiêm làm Chiêm Thành quốc vương. Hễ Đại Việt đánh Chiêm Thành là người Chiêm lại sai sứ sang cáo với Minh triều. Minh triều sai sứ sang dụ Đại Việt. Mặc dù vua nước ta bấy giờ không hoàn toàn nghe theo: “Hoàng đế [nhà Minh] giúp vua Chiêm Thành mới lập là Ma Ha Quý Lai, sắc cho sứ An Nam, về dụ Tuấn [tức Lê Nhân tông] trả lại vua cũ cho họ. Tuấn không phụng chiếu, vẫn sang xâm cướp nhân khẩu của họ đến hơn ba vạn ba ngàn người. Chiêm Thành lại sang tố cáo” (Minh sử – An Nam truyện). Nhưng diệt hoàn toàn một phiên quốc của nhà Minh lại là chuyện rất khác, sẽ là một cái cớ để nhà Minh đưa quân sang nước ta với lý do “trừng phạt”.

Thứ hai, chiếm đất không khó, giữ đất mới khó. Muốn hoàn toàn sáp nhập một địa phương vào bản đồ, không chỉ cần chiếm đất mà còn phải di dân, từ từ đồng hóa dân cư bản địa cho quen với phong tục và đặc biệt là quen với pháp luật của nhà nước mới. Các bài học lịch sử đã nhiều phen chỉ ra chân lý này. Trung Quốc đôi lần chiếm Đại Việt, rồi phải rút về. Đại Việt từng nhiều lần lấy/nhận đất biên cảnh của Chiêm Thành, rồi sau cũng mất, vì lòng dân không theo.

Thứ ba, lấy được đất ấy, được dân ấy chưa chắc đã có lợi. Đó là bài học mà về sau, vua Minh Mạng nhà Nguyễn đã cay đắng chuốc lấy. Nhà Nguyễn chiếm cả nước Chân Lạp, tốn phí không biết bao nhiêu mà kể, rồi cuối cùng vua Thiệu Trị cũng phải rút hết quan quân về, chẳng thu được chút lợi lộc nào.

Đứng trước những vấn đề nan giải này, vua Thánh tông nhà Lê đã ra một quyết định sáng suốt: “chia ra để trị”: đem Chiêm Thành chia làm ba, gồm Chiêm Thành do Bô Trì Trì – tướng Chiêm Thành làm vua, và hai nước Hoa Anh, Nam Bàn – do hậu duệ vua Chiêm làm vương (Toàn thư, Lê, 1471; Cương mục, quyển 22).

Từ một nước Chiêm Thành rộng lớn xấp xỉ Đại Việt, nay đã chia thành ba nước nhỏ, quốc lực yếu, lợi ích của việc đó là:

Thứ nhất, đảm bảo nhà Minh không mượn cớ quấy nhiễu, Minh sử chép lời của vua Thánh tông với nhà Minh “Chiêm Thành chẳng phải là đất màu mỡ, trong nhà ít tích lũy, ngoài nội tuyệt dâu gai. Núi không vàng ngọc để thu, biển ít ngư diêm lấy lợi, chỉ sản ngà voi, tê giác, ô mộc, trầm hương. Được đất ấy cũng không thể ở, được dân ấy cũng không thể dùng, được của ấy cũng chẳng đủ giàu, ấy là nguyên cớ mà thần chẳng xâm đoạt Chiêm Thành vậy. Thánh chiếu bắt thần trả lại đất đai nước ấy, vậy xin cho sứ giả triều đình đến vạch biên giới, để biên thùy hai nước được yên ổn, thì thần không mong gì hơn.”

Thứ hai, đảm bảo các nước nhỏ không dám quấy nhiễu biên cương, từ sau năm 1472, không còn các đợt tấn công của người Chiêm vào Hóa Châu hay địa phương khác của Đại Việt.

Và thứ ba, quan trọng nhất, thay vì nuốt một miếng thật to rồi mắc nghẹn, Đại Việt sẽ áp dụng chiến thuật tằm ăn lá. Đầu tiên là “lấy đất Chiêm thành đặt làm thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa” (Toàn thư, Lê, 1471). Sau đó là những lần xâm lấn của nhà Mạc (Minh sử – Chiêm Thành truyện) và cuối cùng là triều đình Đàng Trong của chúa Nguyễn. Theo dõi từng bước Nam tiến của các chúa Nguyễn, chúng ta có thể thấy chiến thuật tằm ăn lá được thể hiện rõ nét, với năm 1611 lấy Phú Yên; năm 1653 lấy tiếp Khánh Hòa (Thái Khang); năm 1693 lấy Bình Thuận (Thuận Thành).

Có thể nói, sau chiến dịch bình Chiêm năm 1471 của vua Lê Thánh tông, cái thế Đại Việt nuốt Chiêm Thành đã hiện hình rất rõ, không phải Lê tất là Mạc, không phải Mạc tất là Nguyễn. Vấn đề chỉ là sớm hay muộn mà thôi!

Nam Hà của các chúa Nguyễn có may mắn là không giáp Trung Quốc, không được nhà Thanh coi là phiên thuộc (Vua Thanh hỏi bầy tôi, đều nói rằng “Nước Quảng Nam hùng thị một phương, Chiêm Thành, Chân Lạp đều bị thôn tính, sau tất sẽ lớn. Duy nước An Nam còn có nhà Lê ở đó, chưa có thể phong riêng được.” Việc bèn thôi. (Thực lục tiền biên)), đồng thời Chiêm Thành không còn là phiên thuộc của nước Thanh, không được nước lớn bảo vệ, nên Nam Hà rất thuận lợi trong việc lấy đất còn lại của Chiêm Thành.