Đông A là 東阿, còn Trần là. Dễ thấy đây không phải lối chiết tự từ chữ Trần tách ra thành Đông + A, mà bản chất là lấy một phần trong chữ A (⻖) ghép với chữ Đông để tạo ra chữ Trần. Một lối ám chỉ, một dạng “tiếng lóng”.

Lối ám chỉ này được nhắc duy nhất một lần trong Toàn thư (và Cương mục), đó là câu sấm xuất hiện thời vua Long Đĩnh: “đông a nhập địa” và được sư Vạn Hạnh (thực ra ông chính là người tạo ra câu sấm) giải nghĩa: “Đông A là chữ Trần”.

Nhà Trần không bao giờ chính thức thừa nhận họ mình là “Đông A”, trên lá cờ thì càng không, hoặc ghi một chữ 陳 trang trọng, hoặc có thể là họ/tên của vị tướng chỉ huy đạo quân.

Với hoàng gia, chữ Trần là thiêng liêng bất khả xâm phạm, không thể lấy hai chữ “đông a” – cái đống (chữ 阿 nghĩa là đống) ở phía đông – thay thế.

Lối ẩn dụ này được sử dụng khá muộn, từ thời Lê trở về sau chứ không thấy xuất hiện trong thơ văn Lý Trần (tra cứu trong các sách Thơ văn Lý-Trần tập 1,2,3; Thiền uyển tập anh, Lĩnh nam chích quái, Việt điện u linh) [1]. Thậm chí cụm từ “hào khí Đông A” chỉ trong thời cận hiện đại mới bắt đầu xuất hiện.

Vậy phải chăng Đông A được dùng để chỉ nhà Trần cũng ra đời rất muộn, có thể là khoảng từ thời Lê?

Toàn thư chép lời sấm xuất hiện ở đời vua Lê Long Đĩnh (1009):

“Thụ căn điểu điểu, mộc biểu thanh thanh, hòa đao mộc lạc, thập bát tử thành, đông a nhập địa, mộc dị tái sinh, chấn cung kiến nhật, đoài cung ẩn tinh, lục thất niên gian, thiên hạ thái bình”.

Lời sấm vĩ rối rắm được sư Vạn Hạnh giải nghĩa:

“Thụ căn điểu điểu”, chữ căn nghĩa là gốc, gốc tức là vua, chữ điểu đồng âm với yểu, nên hiểu là yếu. “Mộc biểu thanh thanh”, chữ biểu nghĩa là ngọn, ngọn tức là bề tôi, chữ thanh âm gần giống với chữ thanh nghĩa là thịnh; Hòa, đao, mộc [ghép lại] là chữ Lê; Thập, bát, tử là chữ Lý; Đông A là chữ Trần; nhập địa là phương Bắc vào cướp: “Mộc dị tái sinh” là họ Lê khác lại sinh ra. “Chấn cung kiến nhật”, chấn là phương Đông, kiến là mọc ra; nhật là thiên tử. “Đoài cung ẩn tinh”, “đoài” là phương tây, “ẩn” cũng như lặn, “tinh” là thứ nhân. Mấy câu này ý nói là vua thì non yểu, bề tôi thì cường thịnh, họ Lê mất, họ Lý nổi lên, thiên tử ở phương đông mọc ra thì thứ nhân ở phương tây lặn mất, trải qua 6, 7 năm thì thiên hạ thái bình.

Vậy là sấm vĩ của Vạn Hạnh không chỉ bao quát sự chuyển giao quyền lực từ nhà Tiền Lê sang nhà Lý mà còn tiên tri được sẽ có giai đoạn nhà Trần, thời thuộc Minh và nhà Lê (họ Lê khác sinh ra) [2].

Chúng ta biết rằng Toàn thư do Ngô Sĩ Liên chép vào năm 1479, tức là nhà Lê đã trị vì hơn nửa thế kỷ. Điều đó lý giải tại sao sấm vĩ của Vạn Hạnh do Ngô Sĩ Liên ghi lại chỉ dừng ở “Mộc dị tái sinh” mà không tiên tri thêm nhà Mạc, nhà Nguyễn,… Thực chất đây không phải lời sấm xuất hiện từ thời Tiền Lê, Lý, Trần, mà do người thời Lê tạo ra, rất có thể trong giai đoạn khởi nghĩa Lam Sơn, nhằm tạo uy thế cho Bình Định vương Lê Lợi [3].

Thực vậy, trong một văn bản khác ra đời ở thời nhà Trần, còn được giữ hầu như nguyên vẹn là Việt sử lược, câu sấm vĩ không hề như Toàn thư chép, mà chỉ có:

Thụ Căn diểu diểu

Mộc biểu thanh thanh

Hòa đao mộc lạc

Thập bát tử thành

Chấn cung xuất nhật

Đoài cung ẩn tinh

Lục thất niên gian

Thiên hạ thái bình.

Nghĩa là thiếu đi các câu “đông a nhập địa, mộc dị tái sinh”, tương ứng với các tiên đoán về nhà Trần, Minh thuộc và Lê. Đồng thời Việt sử lược không hề chép lời giải nghĩa của Vạn Hạnh như Toàn thư mà chỉ nói: “Gần đây tôi thấy bài sấm văn lạ, biết nhà Lê đương mất mà nhà Nguyễn (tức nhà Lý) đương lên”. Rõ ràng cách giải thích hai chữ “nhập địa” thành “phương Bắc vào cướp” là sự khiên cưỡng khó chấp nhận.

Tạm dài dòng như vậy để kết luận rằng lời sấm “đông a nhập địa, mộc dị tái sinh” thực chất là do người sau, khoảng thời Minh thuộc, thêm vào câu sấm trước đó, để tạo thiên mệnh cho khởi nghĩa Lam Sơn, chứ hoàn toàn không thấy văn tự thời Trần có xuất hiện tình huống “đông a” ẩn dụ “Trần”. Bởi Ngô Sĩ Liên thu thập tài liệu, sách vở bao gồm cả dã sử, ngoại sử nên đã tạo thành một trào lưu dùng “đông a” thay cho “trần” phi chính thống. Dĩ nhiên cách nói ẩn dụ này không có gì sai đối với các triều đại sau, nhưng nhất quyết ở thời nhà Trần, Đông A chẳng liên quan gì tới Trần.

[1] Việt điện u linh tập có nhắc tới Đông A chỉ họ Trần, nhưng đó là trong phần Tiếm bình của học giả đời sau (Cao Huy Diệu – thời Nguyễn) chứ không phải chính văn.

[2] Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ giải thích câu sấm này rằng: “cung chấn mọc mặt giời (có lẽ là chữ Mạc), cung đoài sao ẩn (có lẽ là Tây Sơn) khoảng sáu, bẩy năm, thiên hạ thái bình (lục thất là chữ Nguyễn). Quả thực lối giải thích này cực khó hiểu. Đoán chừng “cung chấn” chỉ phương đông, chữ đông (東) bỏ đi một chữ nhật (日) (nhật xuất) thành chữ hao hao với Mạc (莫), hoặc chiết tự chữ Mạc dị thể (𦶛) thành nhật (日) với hai chữ xuất (出); “cung đoài” chỉ phương tây, tức Tây Sơn; còn lục thất giải thích thành Nguyễn (阮) thì có lẽ là chữ lục (六) gần giống nhữ nguyên (元), chữ thất (七) với bộ phụ (⻖) thì không thấy liên quan lắm. Có lẽ Ngô Thì Sĩ dựa vào tiến trình lịch sử (bấy giờ họ Nguyễn đã trị vì ở đàng Trong) mà suy diễn ngược câu sấm mà thôi. Hoặc giả các lời giải thích trong dấu () này không phải của Ngô Thì Sĩ. Người viết chưa tiếp cận được với nguyên tác chữ Hán của tác phẩm Việt sử tiêu án, xin phép tồn nghi.

[3] Chúng ta có nhiều ghi chép về việc tạo thánh tích ở giai đoạn Lam Sơn, Lê Lợi có quý tướng, được trời ban gươm, ấn Thuận Thiên (Lam Sơn thực lục), thần hổ đầu thai (Đại Việt thông sử), các văn thần võ tướng được thần nhân báo mộng quy tụ dưới cờ (Đại Việt thông sử),…

Chủ đề:

Từ khoá:

,